Cho cá Koi ăn như nào là chuẩn
Lúc mới chơi Koi Vinh từng nghe câu “chơi koi là chơi nước”, lúc đó không hiểu rõ lắm cứ chăm chăm cố gắng làm sao để nước trong mà không hiểu rằng nước trong và nước tốt cho cá khác nhau cũng khá xa. Sau vài trận cá chết thì mình mới hiểu được chữ “chơi nước” nghĩa là gì. Chơi thêm một thời gian nữa mình tự phăng ra câu “Chơi Koi là chơi cầu bập bênh” vì gần thực tế.
Vì sao là cầu bập bênh vì Koi sống trong môi trường mà khu vui chơi ngay trong toilet nên chất ô nhiễm và môi trường sống lẫn lộn với nhau. Cầu bập bênh chính là một bên là hệ lọc và một bên là lượng thức ăn được cho ăn. Thức ăn của Koi thường chứa nhiều đạm (Nitơ) và là yếu tố quan trọng gây ô nhiểm nước còn hệ lọc giúp loại bỏ hợp chất Nitơ ra khỏi hồ.
Mình cho rằng người chơi Koi “nhàn nhã” là người có thể chủ động kiểm soát các hợp chất Nitơ có trong hồ luôn trong ngưỡng an toàn.
Có nhiều dạng hợp chất ảnh hưởng đến Koi như NH3(NH4), NO2, NO3, H2S… tuy nhiên theo mình người chơi “bình dân” cần chú ý các yếu tố cơ bản nhất và cũng nguy hiểm nhất là NH3(NH4) và NO3. NH3 và NH4 có thể gọi là một vì chúng biến đổi qua lại tùy vào điều kiện môi trường. Theo tài liệu đọc trên mạng thì NH3 rất khó đo lường mà phải dựa vào NH4. Cần nói thêm là độc tố của NH3 phát tác cỡ nào lại do PH và nhiệt độ quyết định vì vậy PH và NH3(NH4) mình gom chung một cặp còn nhiệt độ ít tác động đến độc lực của NH3 hơn nên các bác tự tìm hiểu thêm.
Theo Vinh OK nhất là PH trong khoảng 6.5~7.5 và NH4 khoảng 0.5mg/L đo theo bộ test Sera (thường bán ở khu chợ cá kiểng Nguyễn Thông HCM). Trong ngắn hạn nếu chấp nhận mức nguy cơ cao thì NH4 cũng chỉ nên đến 1mg/L.
Thực tế quan sát mình thấy nuôi Koi từ nguồn nước máy có xu hướng nổi gân đỏ khi NH4 đo được ở mức 1mg/L, PH cỡ 7 VÀ ở mức này chỉ cần kéo dài 1 tuần hoặc làm biếng thay nước là sẽ bắt đầu có hậu quả.
Trở lại nội dung chính của cầu bập bênh là Thức ăn và Hệ lọc. Koi ăn vào sẽ i nặng nên sẽ xuất hiện NH3 (Amonia). NH3 cao quá Koi bệnh và dễ die. Hệ lọc chuyển NH3 (khá độc) thành những hợp chất ít độc hơn như NO3 hoặc chuyển hoá thành khí Nitơ (các bác tự google chu trình Nitơ thêm). Nếu chơi khéo chúng ta có thể cân bằng mức NH4(NH3) dao động an toàn như đã đề cập ở trên. Câu hỏi là làm sao để cầu bập bênh cân bằng, xin thưa rằng mình không biết công thức chuẩn mà chỉ tự thử và sai thôi.
Xin nhấn mạnh với các bạn rằng lúc mới chơi Vinh cũng từng bị các thông tin chung chung như là làm lọc khoảng 30-40% thể tích hồ chính làm mờ đi yếu tố quan trọng là đa số chúng ta không làm hồ Koi đủ lớn để có thể chơi chuẩn được trong khi đa số thích nuôi đông nuôi nhiều. Nuôi nhiều thì phải cho Koi ăn nhiều, ăn nhiều thì NH3(NH4) sẽ cao, cao quá thì Koi sẽ bệnh. Bệnh thì chủ Koi sẽ lên mạng hỏi, hỏi xong thì sẽ đánh muối, thay nước, đánh thuốc… và chu kỳ có thể lại diễn ra y như vậy nhưng những lần sau thì ít hỏi hơn hehe. Đối với nhà còn diện tích thì dễ cho việc cải tạo lọc tuy nhiên nếu diện tích đã hết thì căng hơn rất nhiều. Một điều chắc chắn là dù cho chúng ta có cố gắng lắp Seive filter, Drum filter thì cũng có một lượng phân hòa lẫn vào trong nước. Đọc trên mạng của mấy bác nuôi thủy sản thì hình như giỏi lắm cũng phải chịu lọt lưới ít nhất 20%. Vì vậy dù có lọc gì thì vẫn phải quan tâm đến chuyện cân bằng lượng thức ăn và khả năng của hệ học.
Thực tế kiểm nghiệm:
Hồ + lọc tổng khoảng 2m3, kiểu lắng lọc với Jmat, kadness bình thường, có bakki nhỏ, hồ nắng ít, trồng thêm ít cây thủy sinh, xài bơm 6m3/h, thì lượng thức ăn mà người mới chơi nên bắt đầu là mức tối đa 50gram/ngày kèm 2 ngày xả lắng và thay 15-20% nước từ bồn trên lầu xuống, thay nước thì châm tý vi sinh… là “an toàn”. Nếu cho ăn nhiều hơn hoặc hệ lọc mạnh-yếu hơn thì các bạn tự mò tiếp.
NO2 có tài liệu nói nếu cao sẽ gây ngạt cho Koi tuy nhiên do chưa thấy ảnh hưởng nên mình lơ nó luôn.
NO3 từ 50mg/L trở xuống không thấy gây vấn đề, NO3 từ 50-100 là nguy hiểm cận kề cần tìm cách giảm. NO3 trong khoảng từ 100mg/l mà action tầm bậy là dễ “có cá mới chơi”.
Việc bình tỉnh thay nước từ từ ngày hai lần mỗi lần khoảng 15% cách nhau 8-12 tiếng sẽ an toàn hơn. Cái này theo kiến thức “lụm trên mạng” là nhằm giảm việc tăng độc lực của NH3 do nồng độ PH có thể tăng cao sau khi thay nước máy, không gây sốc nhiệt độ và không sốc PH.
Giả sử các yếu tố môi trường của hồ không có gì thay đổi như: Thằng nhà kế bên không xây làm bụi hoặc xi măng bay vào hồ, nhiệt độ không giảm quá nhiều do mưa dầm hay mùa đông, không vừa mới cắt tỉa bỏ bớt cây thủy sinh, không có cá mới bỏ vào hồ… thì ta có thể điểu chỉnh tăng lượng thức ăn hoặc giãn thời gian thay nước cho đến khi phát hiện Koi bị các triệu chứng thông thường như đỏ mình kha khá hoặc nằm đáy hoặc thấy nấm trên mình… để mò ra điểm cân bằng của Lượng thức ăn = Hệ lọc + Thay nước.
Kinh nghiệm đau thương: Đa số Koi chết đều có sự góp sức không nhỏ của người chơi.
- Khi cho cá ăn nhiều NH3- tăng lên làm PH có xu hướng giảm xuống, chính nhờ PH thấp nên dù NH3 đã ở mức nguy hiểm nhưng vấn đề vẫn chưa phát sinh. Khi NH4(NH3) đủ cao và đủ lâu thì sẽ đến ngày “mấy anh ơi sao cá em đỏ mình nằm đáy…”.
- Cá bệnh, lên mạng hỏi, hoảng loạn thay nước cấp tập với tỷ lệ lớn mà không biết cách kiểm soát các chỉ số làm cho môi trường thay đổi đột ngột nhất là độ PH và nhiệt độ.
- Khi xưa mình lâu lâu cũng đã từng thay nước với tỷ lệ cao đến 50% mà cũng không thấy bị gì cả cho đến một ngày cũng làm y vậy mà lại có chân dài ra đi. Sau khi lục lọi tìm trong bụng anh google mình ngộ ra có thể mình đã gián tiếp tiễn chân dài đi xa bởi PH trong nước máy thường khoảng 7-7.5 nhưng có khi cao hơn. Khi thay nước, PH trong hồ có thể tăng lên do nguồn nước vào có PH cao làm cho NH4 chuyển hóa thành NH3 nhanh, độc tố NH3 càng mạnh. Vì hồ đã có vấn đề nhưng do chưa phát hiện ra nên nồng độ NH3(NH4) trước đó đã cao nên dù cho có thay 50% nước NH3 vẫn còn cao, thay nước nhiều nên vi sinh bị rửa trôi cũng nhiều làm cho việc chuyển hóa chất thải chậm lại. Độc tố của NH3 tích tụ có cơ hội tác động mạnh trong khi mấy em ấy đang bệnh và rất yếu. Cước thứ nhất.
- Thay nước làm PH thay đổi, thay nước với tỷ lệ lớn làm PH thay đổi quá mức chịu đựng của Koi. Mệt càng thêm mệt. Cước thứ 2.
- Khi thay nước với tỷ lệ lớn thì nhiệt độ trong hồ sẽ thay đổi đột ngột trong khi cá là loài phụ nhiệt không có khả năng tự điều chỉnh thân nhiệt. Cước thứ 3.
- Với 3 liên hoàn cước là đủ để mấy em “đẹp đẹp” giận dỗi bỏ ta đi rồi.
Lưu ý:
- Các thông tin trên mang tính chủ quan của mình thông qua các trãi nghiệm.
- Siêng đo chỉ số nước NH3(NH4), PH, NO3 giúp “học phí” thấp hơn.
- Thiết kế và nội dung của các hệ lọc, nắng, môi trường từng hồ có thể không giống nhau nên ai có chỉ thì nhớ đừng máy móc áp dụng mà hãy xem có hợp với hồ mình không.
- Cá để tự nhiên chết chậm hơn so với có tác động đột ngột không đúng cách của người chơi như thay nước quá nhiều, đánh thuốc…
- Việc ngừng cho cá ăn giúp giảm đầu vào của chất gây ô nhiễm nhưng không thể giảm NH3 ngay được. Nếu ngừơi chơi kết hợp xã rữa kỹ hệ học có khi còn làm tăng NH3 lên do vi sinh có lợi đã bị rữa trôi và vi sinh mới châm lại chưa hoạt động hiệu quả.
- Đã gọi là bập bênh thì lúc chơi phải “bập” từ từ. Vội vàng thường không mang lại hạnh phúc.
Tác giả: Quoc Vinh – CTV Koi247 Blog